Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 – 2023.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 – 2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, khu vực dịch vụ tăng 6,33%.
Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, không như mức kỳ vọng. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đánh giá đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, đồng thời tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Đầu tư Việt Nam (FDI) 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-6-2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đăng ký 6 tháng đầu năm nay giảm 4,3% nhưng mức giảm đã được cải thiện so với cùng kỳ ngoái giảm là 8,1% cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI.
Singapore hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3%. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,21 tỷ USD (gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ). Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD (tăng 53,5% so với cùng kỳ…).
Nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ cũng đã/đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Mặc dù còn nhiều thách thức phải giải quyết nhưng theo hãng tin Sputnik (Nga), Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng trở thành “cường quốc” về FDI.
Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của các địa phương
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tăng trưởng dương và 4 tỉnh tăng trưởng âm.
Trong đó, 10 tỉnh, thành có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 là Hậu Giang, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Thái Bình.
Hậu Giang có GRDP đạt 14,21%, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng đầu cả nước. Tiếp theo là tỉnh Bắc Giang xếp thứ hai cả nước với mức tăng trưởng 10,94%; xếp thứ ba cả nước là thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng 9,94%; xếp thứ 4 là tỉnh Quang Ninh tăng trưởng mức 9,46% và xếp thứ 5 là tỉnh Cà Mau với mức tăng trưởng 8,61%. Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Thái Bình là các tỉnh còn lại nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất lọt top 10 địa phương có dự báo tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm. 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn và chỉ xếp hạng mức trung bình cả nước.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng 3,74%, xếp thứ 46; Cần Thơ 3,71%, xếp thứ 47 và thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh 3,55%, xếp thứ 48.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước nhưng trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước đã nỗ lực phát triển, khắc phục hạn chế khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan, tạo nên những dấu ấn, điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung.
Xem thêm: Mô hình TOD, đòn bẩy cho Bất động sản phía Đông TPHCM