Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

Mới đây nhất, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đã đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ, tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đăng ký 6 tháng đầu năm nay giảm 4,3% nhưng mức giảm đã được cải thiện so với cùng kỳ ngoái giảm là 8,1% cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI.

Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TTXVN

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo Tổng cục Thống kê vẫn bày tỏ về những tín hiệu tích cực trong thu hút FDI, cụ thể:

Vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ năm ngoái; vốn góp mua cổ phần của nhà Đầu tư nước ngoài (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 79%. Mặc dù số vốn đăng ký tăng thêm (chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký), giảm 57,1% nhưng số lượt dự án  tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng, giảm chi tiết này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn nên vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam. 

Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Bà Phí Thị Hương Nga phân tích: “Tốc độ tăng số dự án mới ( tăng 71,9%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 31,3%) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới; các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024″.

Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: EAF

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Singapore hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,21 tỷ USD (gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ). Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD (tăng 53,5% so với cùng kỳ…).

Nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ cũng đã/đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Mặc dù còn nhiều thách thức phải giải quyết nhưng theo hãng tin Sputnik (Nga), Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng trở thành “cường quốc” về FDI.

10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,27 tỷ USD, chiếm gần 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

TP Hồ Chí Minh vượt qua Bắc Giang và xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,39 tỷ USD, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 37,1% so với cùng kỳ.

Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai… Các thành phố này đều có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định và có sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…

10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại với hơn 8,46 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 1,53 tỷ USD (giảm 51,5%) và hơn 630,6 triệu USD (tăng 54,4%).

bất động sản Việt Nam mất vị trí thứ 2 hút vốn ngoại, chỉ đón 1,53 tỷ USD sau 6 tháng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026, nhờ một loạt các hoạt động xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể kể đếnhư, sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng, sự kiện khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư gần 75.400 tỷ đồng và sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng.

Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hàng không Singapore.

Thị trường Bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2024-2026

Thời gian qua, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các quyết sách vô cùng quan trọng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho bất động sản Việt Nam trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Do đó, bất động sản Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét từ cuối năm nay trở đi và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực.

Xem thêm: Hội thảo Bất động sản Việt Nam tại Tokyo: Hiểu rõ thị trường Bất động sản Việt Nam trong 3 giờ

Leave a Reply