Chiều 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 481/484 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết mới với 44 cơ chế, chính sách thuộc bảy nhóm chính sách lớn về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của thành phố và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức với nhiều điểm mới.
Về cơ chế quản lý đầu tư:
Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông TOD (Transit Oriented Development), là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3. UBND Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.
Quốc hội cho phép TP HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo. TP HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
TP HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Về tài chính, ngân sách:
Nghị quyết cho phép thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…; Thành phố được quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Về tổ chức bộ máy:
Chính phủ đề xuất Quốc hội trao quyền thành lập Sở An toàn thực phẩm cho TP.HCM. Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố. Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức…
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá việc Quốc hội thông qua cho phép TP.HCM thí điểm các cơ chế, chính sách là để tháo gỡ các khó khăn, chủ động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là cơ hội để TP.HCM huy động nguồn lực để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển đột phá, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của cả nước.
Do đó, TP.HCM sẽ gấp rút triển khai, tổ chức nhanh chóng và tập trung thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Được biết, ngày 7/7 tới đây, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn Thành phố để quán triệt Nghị quyết, triển khai Chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND Thành phố.
UBND cũng đã phân công các sở, ngành chuẩn bị các nội dung rất cụ thể để trình HĐND trong kỳ họp tháng 7, tháng 9 và tháng 12 tới; tiếp đó là thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác để theo tiến độ đôn đốc và bắt tay làm ngay.
Để triển khai thành công Nghị quyết, TP.HCM sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết này.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tiếp theo đây, TP.HCM sẽ tập trung phát huy các cơ chế, chính sách được Nghị quyết cho phép, thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP) như BOT (xây dựng vận hành chuyển giao), BT (xây dựng chuyển giao)…,
Các dự án giao thông, hạ tầng TP.HCM sẽ được tập trung triển khai trọng điểm như: Hoàn thiện dự án đường vành đai 2, xây dựng đường vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, dự án mở rộng quốc lộ 13, các dự án đường trên cao, dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…
TP.HCM cũng phát huy các cơ chế, chính sách được cho phép để huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện công trình đường sắt đô thị, chống ngập… Đặc biệt, Nghị quyết mới của Quốc hội cũng cho phép TP.HCM áp dụng hình thức PPP trong triển khai các dự án văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục… do đó, thành phố sẽ vận dụng cơ chế chính sách này để triển khai các dự án trong lĩnh vực nêu trên.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ phát huy các cơ chế chính sách về TOD để phát triển đô thị. Theo đó, TP.HCM sẽ tận dụng quỹ đất dọc các tuyến metro, vành đai để phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, gắn tái cơ cấu bố trí dân cư, hình thành các hành lang đô thị – công nghiệp – dịch vụ – logistics và các trung tâm đô thị mới.
Mô hình đô thị TOD được xem là chìa khóa giải quyết các vấn đề giao thông cấp bách trong nội đô, đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố ra khu vực ngoại vi, giúp thực hiện quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại.
Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng metro Bến Thành – Suối Tiên cũng đã tạo ra diện mạo mới cho thị trường bất động sản TP.HCM. Thống kê từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 dự án nhà ở và các trung tâm thương mại sầm uất hiện diện suốt dọc tuyến metro này.
Có thể nói, với mô hình TOD, đây sẽ là cơ hội TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đô thị của cả nước. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội cho bất động sản TP.HCM nói riêng và bất động sản Việt Nam nói chung phát triển, nâng tầm cao mới.
Loạt cơ chế đặc thù mới này được kỳ vọng là động lực để đô thị 13 triệu dân bứt tốc phát triển, khơi thông nguồn lực và thu hút đầu tư Việt Nam, có thể giúp phát huy được tiềm năng và lợi thế của TP.HCM bởi đây là đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế.
Những năm qua, TP.HCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án đầu tư FDI của cả nước, có thể nói là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid 19 cùng với ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, TPF.HCM đã có phần hụt hơi về phát triển, không được như kỳ vọng về một siêu đô thị, thành phố lớn nhất cả nước. Trong quý I/2023, Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,70% và đứng thứ 56/63 địa phương.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới với những cơ chế đặc thù dành cho TP.HCM là rất cần thiết, kịp thời. Các đại biểu đặt kỳ vọng, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo tiền đề phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế – xã hội nhằm xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước.
Xem thêm: Hội thảo Bất động sản Việt Nam tại Tokyo: Hiểu rõ thị trường Bất động sản Việt Nam trong 3 giờ