Cách đây 15 năm, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất Hà Nội cũ với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và trở thành thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó);
Về quy mô dân số, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/2022), tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số Hà Nội trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Theo dự báo phát triển sơ bộ bự báo đến năm 2030 khoảng 11,410 – 11,950 triệu người; đến năm 2040 khoảng 13,030 – 13,760 triệu người; Bổ sung dự báo đến năm 2045 khoảng 13,740 – 14,600 triệu người; Dự báo đến năm 2050 khoảng 14,600 – 15,560 triệu người.
Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị. Vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng.
Với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Chính phủ, thành phố chú trọng xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô, trong đó xác định hệ thống giao thông giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những động lực chính để mở rộng không gian phát triển đô thị.
Do đó, những năm qua, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, kết nối Hà Nội với các tỉnh thành lân cận. Đẩy mạnh phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của cả nước.
Hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội được đánh giá là phát triển cả về chất và lượng. Tiêu biểu là các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng – Hòa Lạc, Pháp Vân – Cầu Giẽ; Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Lào Cai; Nội Bài – Nhật Tân; cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; hệ thống cầu vượt thép bắc qua các điểm “đen” ùn tắc giao thông; hàng loạt tuyến đường xuyên tâm, các đường Vành đai 1, 2, 3 và 3,5… góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt.
Hiện nay, đường bộ chính là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Thông qua mạng lưới đường bộ này, việc tiếp cận các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi hay cảng biển Hải Phòng lớn nhất phía Bắc cũng vô cùng nhanh chóng.
Đặc biệt, việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc như đã nêu trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh; Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Lạng Sơn – Bắc Giang – Hà Nội; Hà Nội – Thái Nguyên.
Nhờ những cao tốc này mà kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cũng rất nhanh chóng, thuận tiện.
Chẳng hạn, trước đây, từ Hà Nội đi Hải Phòng mất khoảng 4 đến 5 tiếng thì nay còn khoảng 1,5 tiếng. Hay quãng đường di chuyển từ Hà Nội đến các địa điểm ở Quảng Ninh có khoảng cách tương đối xa, mất khá nhiều thời gian để di chuyển thì với tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Thay vì mất khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ di chuyển thì hiện tại chỉ mất khoảng 1 đến 2 tiếng mà thôi, cực kỳ thuận tiện. Điều này sẽ tạo nên được rất nhiều lợi ích cho kinh tế và phát triển du lịch của cả 3 tỉnh thành.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghìn tỷ đã hòa vào mạng lưới giao thông thành phố và quốc gia như: Đường Trường Sa – Hoàng Sa, nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Thông, đường đô thị song hành cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng… tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.
Trong năm 2022, một số dự án giao thông trọng điểm ở Hà Nội cũng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác như hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3, tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng…. Những dự án này cũng đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.
Vào ngày 25/06 vừa qua, Ủy ban nhân dân Hà Nội đã chính thức khởi công dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km; Hưng Yên là 20,3 km; Bắc Ninh là 21,2 km.
Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Việc hoàn thiện vành đai 4 vùng thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Khi các tuyến vành đai 1,2,3,4,5 được khép kín, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn, hoạt động vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối và lan tỏa mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Đặc biệt, thúc đẩy hình thành các siêu đô thị mô hình đa cực, tạo sức hút dịch chuyển cư dân, giúp giảm tải cho nội đô Hà Nội.
Ngoài đầu tư các tuyến đường bộ, đường vành đai thì Hà Nội cũng đẩy mạnh đầu tư tuyến đường sắt đô thị.
Hiện Hà Nội mới chỉ đưa vào khai thác vận hành đoạn tuyến Cát Linh – Hà Đông với chiều dài 13 km, chiếm tỷ lệ 3,1%, dự kiến thời gian tới sẽ triển khai nghiên cứu tuyến 2A kéo dài từ Hà Đông lên Xuân Mai với chiều dài 20 km.
Tới nay, thành phố đang thực hiện đầu tư tuyến Nhổn – ga Hà Nội với chiều dài 12,5 km, chiếm tỷ lệ 3%, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư một số tuyến với chiều dài 111 km, chiếm tỷ lệ 26,9% (gồm Yên Viên – Ngọc Hồi 26 km, ga Hà Nội – Hoàng Mai 8 km, Văn Cao – Láng – Hoà Lạc 40 km, Sơn Đồng – Mai Dịch – Dương Xá 37 km). Hiện vẫn còn 276,5 km đường sắt chưa quy hoạch, chiếm tỷ lệ 67%.
Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.
Qua những dự án được nêu trên, có thể thấy sự đầu tư của Việt Nam vào phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Những năm gần đây, đầu tư từ khu vực công và tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam đạt 5,7% GDP, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc (6,8% GDP). Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng Việt Nam một mặt đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư; mặt khác, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam cũng là động lực mạnh mẽ để phát triển giao thông và tiện ích.
Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới,Việt Nam xếp thứ 77/141 về chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể, thứ 66 về cơ sở hạ tầng giao thông và thứ 87 về cơ sở hạ tầng tiện ích.
Xem thêm: TP.HCM được trao cơ chế đặc thù để phát triển thành siêu đô thị
Đối với sự nghiệp đầu tư xây dựng phát triển đô thị đặc biệt như đô thị Hà Nội là sự nghiệp lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực và nguồn lực.
Trước mắt, hạ tầng giao thông đồng bộ đã phát huy mạnh mẽ vai trò chính yếu để đảm bảo cho Hà Nội giữ vững vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô, của cả nước và đang dần vươn tầm ra khu vực.
Với đòn bẩy giao thông, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước, nền kinh tế phát triển toàn diện cả công – nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi miền đất nước.
Hạ tầng giao thông cũng là một trong những cú hích quan trọng thúc đẩy đô thị hóa và sự tăng trưởng của thị trường Bất động sản Hà Nội. Do đó, tất cả những khu vực có tuyến đường Vành đai 4 và 3,5 đi qua, thị trường đều hứa hẹn những tín hiệu tích cực.
Trước đó, các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 sau khi được mở rộng cũng khiến giá Bất động sản Hà Nội tăng vọt. Đặc biệt, những khu vực đã có sẵn hạ tầng giao thông và xã hội đồng bộ, hiện đại. Điển hình như khu Đông, chỉ trong chưa đầy 10 năm được dồn lực đầu tư đã lột xác trở thành một hình mẫu phát triển của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô.
Theo báo cáo xu hướng thị trường trung – cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 – 2025 do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2022, giá chung cư sơ cấp toàn Hà Nội tăng đều qua các năm.
Đáng chú ý, khu Đông mở rộng của Hà Nội có mức tăng giá nhiều nhất thị trường. Cụ thể, Văn Giang – Hưng Yên là khu vực có mức tăng giá cao nhất, đạt 29%/năm, tiếp theo đó là khu Đông Hà Nội (bao gồm Long Biên, Gia Lâm) tăng 16%/năm. Mức độ tăng giá này vượt xa so với các khu vực khác như phía Tây và phía Bắc Hà Nội chỉ tăng trung bình 7%/năm.
Tiềm năng của khu Đông còn thu hút hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Masteries Homes, Ecopark… rót vốn, với những dự án tầm cỡ lên tới cả tỷ USD, kiến tạo nên những đại đô thị tiện nghi, hiện đại, hạ tầng tiện ích đồng bộ.
Đây cũng chính là những “thỏi nam châm” hút hàng chục nghìn cư dân sang sông, tạo nên một “Hà Nội mới” ở phía Đông sôi động và đáng sống, không kém gì các đô thị hàng đầu thế giới.
Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực phía Đông Hà Nội đã “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều tuyến đường, cây cầu mới được nâng cấp và mở rộng kéo theo sức hút của không chỉ riêng Hà Nội mà còn cả thị trường bất động sản Việt Nam. Sự hấp dẫn này sẽ như “hổ mọc thêm cánh” khi các tuyến Vành đai 4, và 3,5 hoàn thành.
Xem thêm: Vinhomes Ocean Park