Những tín hiệu tích cực như động thái quyết liệt tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, dòng tiền được khơi thông, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có chuyển biến mới sau một năm biến động.
Một năm bất ổn của thị trường BĐS sắp qua
Những khó khăn của thị trường đã được nhận diện. Đó là các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về đất đai, tiền vốn, quy hoạch và thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó, “điểm nghẽn” về đất đai liên quan đến giải phóng mặt bằng, quy định định giá đất gây khó cho địa phương trong việc thực hiện trình tự, thủ tục định giá đất. Về nguồn vốn, dù ngân hàng đã được nới room tín dụng nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân như thế nào lại là câu hỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2022 là năm kỳ lạ của thị trường bất động sản khi biến động thăng trầm đột ngột. Cụ thể, thị trường đạt đỉnh vào quý II, nhưng cuối năm rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân là do sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực, trên 80% là mua đầu cơ. Thị trường dư thừa nguồn cung bất động sản cao cấp, hạng sang, nhưng thiếu sản phẩm bình dân. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản khu vực trung tâm rất ít, do pháp lý ách tắc, tiền thuế sử dụng đất cao, vướng đất công… Lãi suất tăng quá cao, room tín dụng cạn kiệt là hệ quả tất yếu dẫn đến sự trầm lắng của thị trường.
Cùng với đó là khủng hoảng trên toàn thế giới, nền kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động lớn sau đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao. Chiến sự Ucraina và Nga kéo dài đã tác động lớn đến bối cục toàn cầu, châu Âu rơi vào khủng hoảng vì thiếu hụt nguồn cung khí đốt, …
Tín hiệu tích cực với thị trường
Trước khó khăn của thị trường Bất động sản, giữa tháng 11, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được thành lập. Tổ công tác Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, làm việc trực tiếp với các địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn”, chủ yếu nằm ở thủ phục pháp lý”.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Tín hiệu tích cực đáng chú ý khác đó là việc giãn thời gian đáo hạn trái phiếu cũng như cho phép chuyển đổi trái phiếu sang tài sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn đối với doanh nghiệp bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế. Bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này. Bước sang năm 2023, với chỉ tiêu room tín dụng mới, thị trường địa ốc sẽ đón nguồn tiền lớn từ phía nhà băng. Đây là động lực thúc đẩy thị trường địa ốc “phá băng”.
Thêm một tín hiệu tích cực khác đó là các chỉ số kinh tế của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh so với khu vực. Năm 2022, Việt Nam phục hồi bùng nổ là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Quý 3/2022, GDP tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ lĩnh vực bên ngoài vững vàng và nhu cầu trong nước mạnh mẽ.
Kỳ vọng qua năm 2023 với những giải pháp quyết liệt của chính phủ và các tín hiệu tích cực khác thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại sau một năm thăng trầm.
Nguồn: Cafef
>>>XEM THÊM DỰ ÁN VINHOMES GRAND PARK