Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên 70.445ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn TP.HCM, với gần 80.000 dân, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh, có hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, với hơn 33.000 ha rừng ngập mặn rộng lớn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam vào tháng 01/2000.
Với 4 mặt là sông nước, huyện đảo Cần Giờ tựa như một hòn đảo tách biệt với thành phố, cùng hệ thống thực vật xanh và đa dạng, nơi đây được ví như lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Phà Bình Khánh là tuyến đường duy nhất để đến huyện đảo này do chưa có cầu kết nối nên Cần Giờ vẫn chưa thể phát triển theo đúng tiềm năng của mình. Thu nhập bình quân đầu người của Cần Giờ chỉ đạt gần 70 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa so với mức chung của TP HCM. Các dự án bất động sản ở Cần Giờ cũng chưa có cơ hội “tỏa sáng” như các dự án bất động sản TP.HCM khác.
Trước tình hình này, TP HCM đã đặt mục tiêu trong 30 năm tới, muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo, trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên, Cần Giờ sẽ tập trung đầu tư “Dự án lấn biển Cần Giờ” theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế, nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ… nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế.
Hai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) gần 6 tỷ USD và khu đô thị lấn biển hơn 9 tỷ USD, được kỳ vọng là “bàn đạp” để huyện đảo này “thay da đổi thịt”.
Trong đó, cảng Cần Giờ dự kiến tạo ra 8.000 việc làm, còn khu đô thị lấn biển sẽ thu hút gần 300.000 người đến sinh sống – gấp 3 lần dân số Cần Giờ, và 9 triệu du khách mỗi năm – bằng 1/3 số khách đến thành phố hiện tại. Dự án khu đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM đang thẩm định, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, còn cảng Cần Giờ mới ở bước lập đề án, xin bổ sung quy hoạch.
Đề án xây dựng cảng Cần Giờ đặt mục tiêu khởi công vào đầu năm 2024, nếu được Chính phủ duyệt. Khi đó, đây sẽ là cảng lớn nhất Việt Nam so với hệ thống cảng hiện hữu.
Với vị trí địa lý tiếp giáp Biển Đông, nằm giữa hai cửa sông lớn Soài Rạp và Lòng Tàu, tiếp giáp với sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của nhóm cảng biển số 4, nên Cần Giờ hoàn toàn hội đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế…
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m.
Dự án cảng Cần Giờ nằm biệt lập ở cù lao Phú Lợi, thuộc vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Để triển khai, dự án phải chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ.
Không chỉ có lợi thế nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, Cần Giờ còn sở hữu tuyến luồng tốt nhất nước, đủ khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới (250.000 tấn). Cảng này nhắm đến khai thác thị trường trung chuyển quốc tế đang bị bỏ ngỏ tại Việt Nam, trong khi các cảng tại Đông Nam Á nắm giữ 28% tổng lượng hàng trung chuyển quốc tế toàn cầu, theo số liệu năm 2021.
TP HCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hoá quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, các hãng tàu sẽ tiết kiệm ít nhất 1/4 chi phí nhiên liệu khi chọn Cần Giờ thay vì Singapore để trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Campuchia, Philippines nhờ rút ngắn hải trình.
20 năm tới, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có tổng diện tích gấp 3,5 lần Cát Lái – cảng biển lớn nhất nước hiện nay. Vốn đầu tư của dự án là 5,5 tỷ USD. Trong đó, 30% do liên doanh giữa phía Việt Nam (Cảng Sài Gòn) và nhà đầu tư nước ngoài (tập đoàn MSC) đóng góp, còn lại là vốn vay.
Theo tiến độ dự kiến, cảng Cần Giờ sẽ hoạt động từ 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên là 2,1 triệu TEU, tương đương 7% của Singapore (2021) – hệ thống cảng trung chuyển lớn nhất thế giới hiện nay. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 – bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Trong khi đó, chuyên gia dự báo siêu cảng này có thể thu về 2-3 tỷ USD mỗi năm, chưa kể doanh thu từ các hoạt động phụ trợ và có khả năng thu hồi vốn theo từng giai đoạn
Song song cảng trung chuyển, đề án muốn lập khu thương mại tự do (FTZ – một loại hình đặc khu kinh tế) 10.000 ha tại các xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Lý Nhơn. Siêu cảng tỷ USD dự kiến tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong hơn 20 năm thi công. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là quy hoạch nơi ở cho lượng người tăng thêm này. Ngoài ra, dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết.
Vào tháng 6/2020, Chính phủ đã quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng. Dự án có vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỉ đồng, còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).
Dự án lấn biển Cần Giờ được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870 ha, lấn biển hoàn toàn. Khi hình thành, dự án được kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228 nghìn người – gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.
Sau 16 năm kể từ khi được phê duyệt lần đầu, khu đô thị này đã lấn biển 20 ha, tức khoảng 1% diện tích dự kiến và chưa xây dựng bất kỳ công trình nào. Đến cuối tháng 4 vừa qua, TP HCM lập hội đồng thẩm định bản quy hoạch lần thứ ba của khu đô thị. Lần thay đổi này, diện tích mặt nước bị thu hẹp hơn 300 ha và đất du lịch giảm 195 ha, nhường chỗ cho nhiều công trình xây dựng. Trong đó, diện tích đất nhóm nhà ở tăng từ 100 ha lên 578 ha.
Quy hoạch khu đô thị biển Cần Giờ gồm 5 phân khu chức năng, gồm: A (trung tâm hội nghị, nhà thiếu nhi, văn hoá, công trình thương mại dịch vụ), B (trung tâm văn hoá, thể thao, thương mại dịch vụ), C và D (đều là công trình thương mại dịch vụ), E (công viên, không gian công cộng, biển nhân tạo).
Sau khi được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, nhà đầu tư có 47 năm triển khai dự án đến 2070. Riêng phần diện tích lấn biển 600 ha đã được giao cho nhà đầu tư từ năm 2007 có thời hạn thực hiện đến 2057.
Có thể nói, nếu như trước đây cơ sở hạ tầng Cần Giờ chưa được đầu tư đúng mức nên không khai thác hết tiềm năng phát triển thì hiện tại, hàng nghìn tỷ đồng đang được đầu tư vào cơ sở hạ tầng nơi đây, mở ra cơ hội mới cho vùng đất này cất cánh.
Trong những năm gần đây Cần Giờ đã không ít lần lên cơn sốt đất và trở thành khu vực nhận được nhiều sự quan tâm tại thị trường bất động sản TP.HCM. Với những thông tin về đầu tư hạ tầng, khu đô thị lấn biển, cảng biển quốc tế,… không ít chủ đầu tư bất động sản đã đua nhau “đổ tiền” vào nơi đây, một vài dự án bất động sản lớn được quy hoạch thổi giá đất Cần Giờ tăng rất nhanh.
Xem thêm: Glory Heights – Vị trí đắc địa trong lòng Vinhomes Grand Park