Mùa kinh doanh cuối năm đang đến gần, nhưng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, nên nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống vùng đáy mới. Các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản sẽ tiếp tục giảm để hâm nóng thị trường.
Trong hơn 1 tháng qua, ngân hàng Vietcombank đã 3 lần giảm lãi suất huy động. Mới đây nhất, ngày 30/11, Vietcombank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, giảm 0,2%/năm ở các kỳ hạn so với trước đó. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 3,7%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng chỉ còn 4,8%/năm.
Với lãi suất này, Vietcombank là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Trước đó, ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 là VietinBank, BIDV, Agribank cũng thông báo giảm lãi suất huy động áp dụng với một số kỳ hạn.
Ngày 29/11, VietinBank công bố giảm 0,1-0,2%/năm lãi suất huy động một số kỳ hạn. Tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,15%/năm xuống chỉ còn 3,3%/năm; các kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,1% xuống còn 4,3%/năm.
BIDV cũng giảm 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn từ 6-11 tháng, còn 4,5%/năm; giảm 0,2%/năm tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 12-36 tháng, xuống còn 5,3%/năm.
Tại Agribank, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng được giảm 0,25%/năm xuống còn 3,6%/năm.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm thêm từ 0,2-0,4%/năm.
Đơn cử, MB vừa thông báo giảm 0,2%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 5 tháng.
Techcombank vừa thông báo giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6-36 tháng với mức giảm 0,1%/năm. Theo đó, khách hàng thông thường nếu gửi kỳ hạn 1 tháng lãi suất chỉ còn 3,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng lãi suất còn 4,65%/năm; kỳ hạn 12-36 tháng, giảm 0,2%/năm xuống chỉ còn 4,85%/năm.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng đang áp dụng lãi suất tiền gửi thấp chưa từng có. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank…, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4-5,9%/năm.
Trong đó, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9%, thấp hơn cả nhóm Big4.
Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại không chỉ đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1 – 2%/năm, mà còn đưa ra nhiều gói ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả cho cá nhân vay tiêu dùng để kích cầu tín dụng.
Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 – 2%/năm so với cuối năm ngoái nhưng tốc độ giảm này được nhận định là chưa tương xứng với mức giảm 3 – 4% của lãi suất huy động. Vì vậy, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới để kích cầu tín dụng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Kim Hùng, hiện nay nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp được các ngân hàng tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp cho mùa kinh doanh cuối năm.
Việc lãi suất ngân hàng giảm được nhận định là giải pháp tích cực, kích thích dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản, bởi bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà hay giới đầu tư cũng phải vay tiền, nên thị trường bất động sản đang nhận được tác động tích cực kép.
Theo đánh giá, việc các ngân hàng hạ lãi suất thời điểm này tuy chưa có tác động trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản nhưng sẽ có tác động gián tiếp thông qua sự phục hồi của nền kinh tế.
Trên lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi thấp đi sẽ làm giảm sự hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền của mình sang kênh đầu tư khác như: trái phiếu, cổ phiểu, kim loại quý và bất động sản. Trên thực tế tất cả các kênh đầu tư đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định nhưng bất động sản vẫn được xem là sản phẩm đầu tư dài hạn và mang lại lợi nhuận cao.
Thời gian qua, lãi suất cho vay cao đã tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam. Người mua sẽ cân nhắc tới vấn đề thu chi và không xuống tiền mua khiến thanh khoản xuống thấp. Việc giảm lãi suất sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động cho vay và tạo điều kiện cho người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản. Giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, khả năng mua sắm, đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay của ngành ngân hàng.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, đây là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi khó khăn ở kênh trái phiếu và lãi suất cao. Với việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ giúp các khoản chi phí vay thấp, nhà đầu tư có động lực mạnh mẽ hơn để thực hiện các dự án bất động sản mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng các khu đô thị. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra cơ hội việc làm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng giá trị của bất động sản. Lãi suất hợp lý cộng với những giải pháp gỡ vướng về thủ tục pháp lý sẽ tạo nguồn cung mới, từ đó dòng tiền sẽ sớm quay trở lại với thị trường bất động sản, giúp thị trường khởi sắc.
Việc các ngân hàng hạ lãi suất là tin vui cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ tránh trường hợp lãi suất thấp dòng tiền “ồ ạt” đổ vào bất động sản xảy ra tình trạng “sốt giá”, nguy cơ dẫn đến “bong bóng” bất động sản.
Xem thêm: Đường Vành đai 3 và tiềm năng của đại đô thị Vinhomes Grand Park