(Địa ốc) – Trong những tháng cuối năm, các nhà đầu tư mong chờ thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ quay về giá trị thực sau thời gian dài “tích tụ bong bóng”
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà mới đây đã bay từ TPHCM ra Đà Nẵng để tham dự buổi giới thiệu dự án Homeland Sunrise City nằm bên cạnh sông Cổ Cò. Dự án 12 héc ta được đầu tư bởi Công ty cổ phần MB Land Đà Nẵng có các nền đất loại 100 mét vuông, 120 mét vuông và 200 mét vuông, giá từ 7-9 triệu đồng/mét vuông.
“Tôi bắt đầu tìm hiểu đầu tư vào đất nền Đà Nẵng từ tháng 6 năm nay sau khi nghe tư vấn từ vài người bạn, những nhà đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng. Trước đây, tôi chỉ quan tâm tới những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung”, chị Hà chia sẻ và cho biết sẽ tìm hiểu thêm một vài dự án nữa trước khi quyết định bỏ tiền ra mua.
Các chuyên gia trong ngành bất động sản cho biết những quyết định như của chị Hà không khó để tìm ra nguyên nhân. Cuối năm là thời điểm mà các nhà đầu tư chịu áp lực tài chính và đáo hạn trả nợ, lãi vay ngân hàng, nên sẽ tìm cách bán để xử lý nợ khiến giá đất nhanh chóng trở về giá trị thực vốn có. Thông thường, thời điểm này cũng là lúc các đơn vị có tiềm lực mạnh bắt tay “gom” các quỹ đất hoặc đầu tư các dự án mới để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Các sản phẩm đất nền ven biển, ven sông tại Đà Nẵng đang duy trì mức tăng giá từ 3-15% trong những năm gần đây. Ở thị trường thứ cấp, giá đất nền chỉ tăng từ 10-25%. Trong khi đó, đất dự án đô thị tại một số quận ven đô hiện được giao dịch ở mức giá từ 10 -15 triệu đồng/mét vuông, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2017. Hội Môi giới Việt Nam đánh giá đây là mức giá phù hợp trong điều kiện thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, trong khi tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng ở mức cao và ổn định.
Tại một hội thảo mới đây về thị trường bất động sản miền Trung, nhiều doanh nghiệp tham dự cho rằng thị trường bất động sản Đà Nẵng đang giữ tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Hiện Đà Nẵng có khoảng hơn 50 dự án bất động sản đang triển khai với tổng số 50.000 căn hộ, nhà liền kề, biệt thự từ nhiều chủ đầu tư lớn như VinaCapital, Hòa Bình, An Thịnh, Vingroup…
Theo đó, ở thị trường căn hộ, theo CBRE, trong những tháng đầu năm, có thêm gần 1.000 sản phẩm mới chào bán, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhiều nhất là những dự án trung cấp, chiếm khoảng 78,9% tổng nguồn cung.
Ở thị trường khách sạn, Đà Nẵng tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng nóng. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, mặc dù thành phố đã lên tiếng khuyến nghị nhưng các chủ đầu tư vẫn ồ ạt rót tiền vào thị trường này. Trong 6 tháng đầu năm, hai thương hiệu của tập đoàn khách sạn Marriot là Sheraton Grand và FourPoint by Sheraton cùng với ba khách sạn 4 sao, ba khách sạn 3 sao khác đã gia nhập thị trường, cung cấp tổng cộng tổng cộng 1.812 phòng 3-5 sao.
Trong 6 tháng cuối năm, CBRE dự kiến sẽ có thêm 1.800 phòng khách sạn được khai trương tại Đà Nẵng. Trong đó, sẽ có sự góp mặt của tập đoàn quản lý khách sạn 5 sao Hilton, bổ sung thêm danh sách thương hiệu quốc tế về quản lý khách sạn ở Đà Nẵng.
Đầu tư ồ ạt nhưng mảng kinh doanh này vẫn đang tiếp tục “lên hương” nhờ sự tăng trưởng về lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố chào đón hơn 4 triệu lượt khách, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 32% so với cùng kỳ. Công suất phòng của các khách sạn 1-3 sao ở mức bình quân 80%, và 4-5 sao ở mức 60-70%.
Bà Dương Thùy Dung nhận định sự tương đồng về các yếu tố cạnh tranh và sự tăng trưởng ồ ạt là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các khách sạn 4 sao, tạo áp lực lên giá phòng của thị trường này.
Nguồn: Sưu tầm