– Trong khi thị trường bất động sản nói chung trầm lắng kể từ giữa tháng 5-2018, các dự án căn hộ cao cấp tại quận 1 và 2 lại đang đi ngược chiều dù có giá bán rất cao.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, hai dự án căn hộ cao cấp và hạng sang tại quận 2 liên tiếp được đưa ra thị trường. Dù giá chào bán lên tới 70-150 triệu đồng/m2, hai dự án này vẫn có tỷ lệ khách hàng đặt chỗ rất cao. Đến cuối tháng 7, một dự án căn hộ hạng sang tại khu đất vàng quận 1 tiếp tục được công bố với mức giá tham khảo lên đến 200 triệu đồng/m2. Theo giới kinh doanh, với vị trí đắc địa và tiện ích kèm theo mà chủ đầu tư cam kết, mức giá này vẫn được chấp nhận khi đưa ra thị trường.
Căn hộ cao cấp và hạng sang đang là điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản khi vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp bất động sản khẳng định sức tiêu thụ căn hộ ở giai đoạn này khá tốt, tập trung vào nhóm khách mua cho thuê, đầu tư và nhóm khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra cục bộ ở một số dự án có lợi thế nhất định về vị trí, uy tín của chủ đầu tư và các tiện ích kèm theo.
Báo cáo phân tích thị trường quí 2 của Công ty DKRA cho thấy căn hộ hạng A chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số căn hộ chào bán, tập trung chủ yếu ở khu Đông. Cụ thể, trong quí 2-2018, có 18 dự án chào bán (bao gồm 10 dự án mới và 8 dự án triển khai giai đoạn tiếp theo), cung cấp khoảng 9.302 căn hộ cho thị trường, bằng 87% so với quí trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 7.302 căn, đạt 81% nguồn cung mới trong quí.
Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A chiếm tỷ lệ 41%, dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường. Về lượng tiêu thụ, căn hộ hạng A tiếp tục có tỷ lệ hấp thụ ấn tượng 88% (3.244 căn).
Lý giải về hiện tượng căn hộ hạng A tăng tốc dù trước đó nhiều cảnh báo cần giảm lượng cung, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển của DKRA, cho biết đa số các dự án này được tung ra thị trường vào nửa đầu quí 2, khi thị trường vẫn còn sôi động. Về nửa cuối quí 2 đến nay, nguồn cung căn hộ hạng A đã giảm đi. Còn chuyện một số dự án hạng A và hạng sang tung ra gần đây vẫn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư là vì các dự án này có nhiều điểm riêng biệt.
“Đó là các dự án có vị trí đắc địa, được phát triển bởi các chủ đầu tư có thương hiệu và có quá trình chuẩn bị bán hàng kỹ lưỡng”, ông Nguyễn Hoàng lý giải.
Bên cạnh việc nhà đầu tư trong nước đặt niềm tin vào các dự án căn hộ cao cấp và hạng sang ở các vị trí đắc địa, nơi có hạ tầng đang hoàn thiện thì yếu tố nước ngoài cũng đóng góp tích cực vào đà tăng trưởng của phân khúc này. Trong đó, cả các nhà đầu tư ngoại có tên tuổi tham gia phát triển dự án cũng như nhiều người nước ngoài mua nhà để ở và đầu tư đã hỗ trợ thị trường tích cực hơn.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, trong hơn một năm trở lại đây công ty đã chứng kiến giao dịch mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài tăng lên đáng kể. Đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới, thúc đẩy lượng hấp thụ các dự án căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn, trong đó có TPHCM. Ngoài lý do mua để ở, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng nhắm đến việc mua căn hộ để đầu tư.
“So với giá nhà ở trung tâm các thành phố lớn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Hong Kong… giá nhà ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và TPHCM trong thời gian tới sẽ kéo mức giá này tăng lên gần hơn với giá bất động sản trong khu vực”, ông Khương phân tích.
Còn theo nhận định của Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhờ chính sách ưu đãi đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tiếp tục sôi động với hàng loạt thương vụ thuộc phân khúc nhà ở, bất động sản thương mại và công nghiệp. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài – với lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với cộng đồng doanh nghiệp địa phương – những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Các nhà đầu tư này đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.
Một số thương vụ nổi bật trong quí vừa qua có thể kể đến như: Nomura Real Estate Development (Nhật Bản) mua tòa nhà văn phòng Sun Wah (Nguyễn Huệ, quận 1). Công ty con của tập đoàn CapitaLand (Singapore) là CVH Nereus Pte. Ltd. mua lại 16,9 triệu cổ phiếu, tương đương 99,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ với giá trị khoảng 685 tỉ đồng, Frasers Property (Singapore) ký thỏa thuận với Công ty TNHH Trần Thái mua lại 24 triệu cổ phiếu, tương đương 75% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang…
Bức tranh toàn cảnh thị trường cho thấy sự kỳ vọng tăng trưởng thông qua tất cả các loại hình tài sản. Phân khúc khách sạn khá sôi nổi khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các quỹ đầu tư nước ngoài trong năm qua. JLL dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, lan sang cả các lĩnh vực đang phát triển khác như công nghiệp và giáo dục.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở bình dân cũng đang thu hút mạnh các nguồn vốn chuyên biệt nhờ nhu cầu lớn của tầng lớp trung lưu. Cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và “rõ ràng”, có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết. JLL kỳ vọng hoạt động M&A sẽ xác lập kỷ lục mới trong năm 2018 do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực
Nguồn: Sưu tầm