Tác động của nguồn vốn FDI tới nền kinh tế Việt Nam
Việt Nam được nhận định là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu. Năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, trong đó số vốn FDI thực hiện là 428,5 triệu USD, đạt trên 20% vốn đăng ký. Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng dần ngay sau đó. Đáng chú ý là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 đã làm gia tăng mạnh mẽ vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ 21,35 tỷ USD năm 2007 lên đến 71,73 tỷ USD chỉ riêng năm 2008.
Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Xem thêm: Việt Nam tiếp tục là thỏi nam châm hút nhà đầu tư Nhật Bản
Cho đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã được nhìn nhận như là một trọng những “trụ cột” tăng trưởng kinh tế của cả nước. Vai trò của FDI được thể hiện rất rõ qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm,…
Ngoài ra, FDI cũng đóng góp tích cực vào tạo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhờ có sự đóng góp quan trọng của FDI mà Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua và được biết đến là quốc gia phát triển năng động, đổi mới, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam vừa kết thúc năm 2022 – chặng cuối cùng trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – bằng những tín hiệu vui. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong 35 năm qua (cập nhật đến 20/12/2022), Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là lần đầu tiên, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân lại tiệm cận nhau như vậy. Bình thường, vốn giải ngân chỉ bằng khoảng 60 – 70% vốn đăng ký.
Trong năm 2022, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD. Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
7 năm liên tiếp lọt top 3 quốc gia thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất khu vực ASEAN
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2015-2021, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất khu vực ASEAN.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2021, Việt Nam liên tục giữ vững vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN.
Điều này khẳng định rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, và tiếp tục mở rộng đầu tư khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong năm 2022 và 2023 Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Các tổ chức quốc tế: Moody‘s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).
Bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong tổng vốn FDI vào Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong trong số các lĩnh vực thu hút vốn FDI cao nhất năm, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.Theo số liệu báo cáo, nguồn vốn ngoại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tính cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, nghĩa là tăng hơn 70% so năm 2021. Điều này cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.
Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 của ngành bất động sản, vốn đăng ký cấp mới là gần 1,82 tỷ USD với 75 dự án cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh là gần 1,06 tỷ USD và giá trị góp vốn, mua cổ phần là gần 1,58 tỷ USD.
Lũy kế đến ngày 20/12/2022, các dự án vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản còn hiệu lực là 1.072 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án này đạt gần 66,3 tỷ USD, chiếm 15,1% trong tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế tại các dự án còn hiệu lực.
Dự kiến trong 2023, với sự quan tâm sát của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương…, những vướng mắc về pháp lý liên quan tới bất động sản dần được tháo gỡ, sẽ thúc đẩy hơn nữa các dòng vốn, trong đó có vốn FDI tiếp tục chảy vào bất động sản.
Tỷ trọng FDI vào Bất động sản Việt Nam lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Năm 2021, Singapore là nước thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, đạt 99,1 tỷ USD. Indonesia và Việt Nam xếp thứ 2 và thứ 3 .
Tuy nhiên, trong 3 nước này thì chỉ có Bất động sản Việt Nam nằm trong TOP 5 ngành chiếm tỷ trọng cao nguồn vốn FDI của mỗi nước.
Cụ thể, tại Singapore, trong năm 2021, trong tổng 99,1 tỷ USD nguồn vốn FDI thì Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin là lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI, chiếm hơn một phần tư (26,5%) tổng vốn đầu tư vào nước này. Kinh doanh và dịch vụ chuyên nghiệp đứng thứ hai. Dịch vụ tài chính đứng thứ ba. Cùng với điện tử – truyền thông và phương tiện truyền thông, năm lĩnh vực hàng đầu của Singapore chiếm 68,8% vốn FDI vào nước này.
Indonesia đã thu hút 31,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào năm 2021. Trong đó, Gia công kim loại (chế tạo) là lĩnh vực chiếm tỉ trọng vốn FDI cao nhất, thứ 2 là ngành khai thác mỏ, tiếp theo là lĩnh vực điện, khí đốt. Chế biến thực phẩm chiếm vị trí số 4. Đứng ở vị trí thứ 5 là ngành hóa chất.
Về phía Việt Nam, vốn FDI trong năm 2021 ước tính đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản (trong năm 2022 Bất động sản vươn lên vị trí thứ 2 chiếm 16,1% thu hút tổng vốn FDI của Việt Nam).
Thông qua những con số thực tếnày, có thể nói đã phần nào khẳng định được sức hút, tiềm năng phát triển của thị trường Bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Vì sao Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến bất động sản Việt Nam?
Nhiều chuyên gia cho rằng sở dĩ vốn ngoại tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản là bởi nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung, cũng như ngành bất động sản nói riêng.
Đặc biệt hiện nay, Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ hồi phục, phát triển kinh tế mạnh của thế giới giai đoạn sau đại dịch, thì càng thu hút nhiều sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài. Nhất là sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10/2021, nhiều ngành kinh tế trong đó du lịch, khách sạn được hưởng lợi rất lớn. Chính những yếu tố kể trên đã thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, giữa bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ bị hạn chế.
Các chuyên gia còn nhận định, thị trường Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ coi đây như một nơi hấp dẫn để kinh doanh do dân số thuộc độ tuổi lao động lớn, cùng nhiều chính sách hấp dẫn. Ngoài ra, Việt Nam được xác định là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp đầu tư lâu dài và rủi ro thấp, tỷ lệ lạm phát ở mức an toàn.
Hiện vốn FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… vì nhiều đặc tính tương đồng.
Tại báo cáo “Bất động sản Việt Nam: Góc nhìn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á” của ông Winston Lee, Giám đốc các dự án đặc biệt, Tập đoàn PropertyGuru, cho biết chính sách kinh tế cởi mở của Việt Nam trong những năm gần đây và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm cho câu chuyện thành công về tăng trưởng trở nên khả thi. Do đó, chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi là chìa khoá cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam và tăng tính hấp dẫn của bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Việt Nam đã được hưởng lợi một phần khi chuỗi cung ứng Trung Quốc bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Apple chuyển mảng sản xuất ipad từ Trung Quốc sang Việt Nam…
Đặc biệt, nếu hạ tầng giao thông của Việt Nam được kết nối mạnh mẽ khi hệ thống cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng hàng không được mở rộng và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, lúc đó bất động sản Việt Nam là điểm đến không thể hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng nội tệ ổn định cũng là một trong những nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam:
“Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc giữ giá đồng VND ổn định so với các loại tiền tệ khác. Bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư cảm thấy bất an về những rủi ro từ 1-2 năm nên tìm một kênh đầu tư phù hợp hơn bởi nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam đang có vị thế rất tốt”.
Theo nhận định của Colliers Việt Nam, trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đối phó lạm phát, mặc dù tốc độ tăng năm nay dự kiến chậm hơn. Lạm phát dai dẳng – ngoài việc khiến giá cả hàng hóa tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và cản trở sự phục hồi của nhu cầu nội địa – còn làm các đồng tiền châu Á suy yếu so với USD.
Theo Colliers, điều này làm giảm giá bất động sản trong khu vực khi tính theo USD, từ đó có thể thúc đẩy các giao dịch đang đình trệ. Kết hợp với những thách thức kinh tế hiện hữu ở Âu, Mỹ, thị trường châu Á – Thái Bình Dương trở thành kênh trú ẩn tương đối an toàn cho các khoản đầu tư bất động sản.
Vì thế, công ty quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp ngành bất động sản trụ sở tại Canada này dự báo các thị trường bất động sản châu Á sẽ bắt đầu ổn định từ giữa năm 2023 khi tình hình lãi suất chắc chắn hơn và Việt Nam vẫn là “quốc gia an toàn để đầu tư” trước bối cảnh bất ổn toàn cầu do đại dịch, xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng và những thách thức kinh tế.
“Thị trường vẫn có một lượng vốn lớn đang chờ đợi cơ hội đầu tư. Bất động sản văn phòng, công nghiệp và hậu cần sẽ được quan tâm nhất tại Việt Nam trong năm nay”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định.
Một số tài sản khác cũng nằm trong tầm ngắm là nhà ở và căn hộ dịch vụ phục vụ nhu cầu ở thực của người lao động, chuyên gia, nhân sự nước ngoài; và bất động sản nghỉ dưỡng khi Việt Nam đang nỗ lực phục hồi du lịch.
Nguồn: Vneconomy, VnExpress