Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/10/2023, Bất động sản Việt Nam đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.
Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023, bất động sản đánh mất vị trí thứ hai trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại được ngôi vị á quân.
Nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Thị trường, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) cũng chỉ ra rằng, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn dẫn đầu các lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2022, bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư sau lĩnh vực chế biến chế tạo, chiếm trung bình 11% vốn FDI đăng ký mới hàng năm; thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ hai.
“Dự kiến FDI bất động sản sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2023 – 2030 nhờ đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bất động sản; xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc, xu thế đô thị hóa và sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đưa ra dự báo.
Thời gian qua, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lựa chọn vì khi quyết định chọn địa điểm đặt nhà máy sản xuất, các nhà đầu tư nước ngoài luôn chú ý tới hạ tầng.
Theo Bộ Giao thông – Vận tải, đến nay Việt Nam đã đưa vào hoạt động hơn 1.800km đường bộ cao tốc, riêng trong 9 tháng năm 2023 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 659km.
Nhiều dự án xây dựng đường cao tốc lớn đang đồng loạt được triển khai trên cả nước. Cùng với 1.822km đã đưa vào khai thác, đến năm 2025 phấn đấu cả nước có thể đạt hơn 3.000km.
Có thể thấy, Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi kèm xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh những thuận lợi từ hạ tầng đồng bộ, được đầu tư bài bản thì giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có một số động lực để phục hồi. Đầu tiên phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành với những chỉ đạo sâu sát để giải quyết khó khăn trên thị trường bất động sản, từ đó tháo gỡ vướng mắc về cả cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở từng phân khúc. Các chủ đầu tư đang xem xét, cân nhắc để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Đó là yếu tố quan trọng cho thấy việc tái cấu trúc diễn ra trên toàn thị trường chứ không tập trung cụ thể ở phân khúc nào.
Đặc biệt, từ năm 2023, Chính phủ Việt Nam có Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” cũng giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.
Xem thêm: Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chạy thử toàn tuyến