Thị trường Bất động sản Việt Nam
Thị trường bất động sản Việt Nam hình thành vào năm 1993, đến nay đã có 25 năm phát triển và đã trải qua không ít những thăng trầm cũng như chứng kiến sự thay đổi chóng mặt.
Hiện nay, vai trò của thị trường bất động sản Việt Nam với sự phát triển kinh tế – xã hội không chỉ là góp phần cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng cho đô thị mà còn là đầu kéo thúc đẩy các ngành khác phát triển như vật liệu xây dựng, tài chính, lao động.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy, một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây cho thấy, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 – 2021 khoảng 14%. Đặc biệt, lĩnh vực này còn có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường.
“Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10% thì GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%. Tiếp theo đó là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%)…”, báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản chỉ rõ.
Thực tế cũng đã chứng minh, khi thị trường bất động sản phát triển sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, kiến trúc, các đơn vị thi công xây dựng phát triển; thị trường này phát triển còn mở rộng thị phần cho vay của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và giúp quay nhanh vòng vốn cho vay, tạo ra lợi nhuận lớn để tái đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh; doanh nghiệp bất động sản có lãi sẽ giúp Nhà nước tăng thêm nguồn vốn vào ngân sách thông qua việc điều tiết thu thuế…
Còn khi thị trường bất động sản đóng băng hay đổ vỡ sẽ gây ra hệ lụy tiêu cực. Khi đó nguồn vốn bị chôn vào đất, không quay vòng, dẫn đến nguy cơ thua lỗ không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà cho cả các ngân hàng thương mại; công nhân bị mất việc làm. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, kiến trúc, các đơn vị thi công xây dựng… bị đình trệ. Nguy cơ doanh nghiệp mất khả năng chi trả vốn và lãi vay sẽ làm tê liệt hoạt động của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định phát triển của nền kinh tế.
Xem thêm:
Bất động sản Việt Nam hút nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?
Là một trong những thị trường thuộc nhóm dẫn đầu các ngành kinh tế về doanh thu, đây được xem là yếu tố tạo nên sức hút mạnh nguồn vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc đẩy mạnh cải cách trong thủ tục hành chính, môi trường đầu tư của Chính phủ đã tạo được những hiệu ứng tốt để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng được gia tăng.
Đặc biệt, không thể thiếu yếu tố thị trường, khi hiện nay nhu cầu về nhà ở, nơi ở của hầu hết các tầng lớp trong xã hội đều đang thiếu, từ người có thu nhập cao tới người có thu nhập trung bình, đến người có thu nhập thấp. Các khu du lịch thì cứ tới mùa du lịch là chật cứng người. Điều này cho thấy nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam còn rất lớn, còn nhiều tiềm năng để phát triển và đầy sức hút.
Với những yếu tố trên, đủ chứng minh Bất động sản Việt Nam là một thị trường có sức hấp dẫn lớn, hứa hẹn là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đây, 3 phân khúc bất động sản được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng là: nhà ở, văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng.
Bất động sản hướng vào chăm sóc sức khỏe tuy mới xuất hiện nhưng cũng đã và đang nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt còn có Bất động sản công nghiệp cũng đã nổi lên như một điểm sáng trong đại dịch Covid – 19 vừa qua.
Có được điều này, chính nhờ sự thay đổi quan điểm của Chính phủ từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid” đã xoá tan sự băn khoăn của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư hay rót thêm vốn đầu tư.
FDI vào bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong 6 tháng đầu năm
Trong bối cảnh dịch Covid -19 trong 2 năm qua, bức tranh bất động sản Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới tuy nhỏ bé nhưng vẫn là “điểm nóng” của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông.
Theo thông tin mới nhất về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong 18 ngành nghề thu hút được vốn FDI đầu tư.
Cụ thể, tính đến 20/6/2022, nguồn vốn FDI đổ vào ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Con số trên đã cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản – ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững.
Đáng chú ý, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn; đặc biệt, bất động sản công nghiệp ngày càng trở thành kênh thu hút vốn mạnh mẽ.
Nhìn lại bức tranh đầu tư từ sau cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc năm 2013, lượng vốn FDI mới đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm; trong đó vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn.
Từ đó kết luận, thị trường Bất động sản Việt Nam vẫn luôn hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới hứa hẹn sẽ còn lớn hơn nữa bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam.
>>>Xem thêm: Tiến độ Vinhomes Grand Park tháng 05/2022