Những năm gần đây đầu tư Việt Nam được nhìn nhận là một thị trường có tiềm năng lớn. Việt Nam có dân số trẻ, tràn đầy năng lượng và lực lượng lao động chất lượng tốt. Việt Nam có một nền chính trị ổn định trong một thời gian dài. Điều này giúp các công ty có thể ổn định việc kinh doanh.
Năm 2023, trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước tính đạt 5,05%. Mặc dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng, song Việt Nam vẫn được cho là quốc gia có mức tăng trưởng cao trong khu vực và vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến cho năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng, thân thiện và dư địa phát triển lớn. Mới đây nhất, trong Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/1 cho biết, 62% doanh nghiệp khảo sát đã xếp hạng Việt Nam là một trong 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó, 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. 53% doanh nghiệp được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Điều này được Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhìn nhận là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế hơn 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại thị trường Việt Nam ũng có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số BCI đạt 46,3 điểm trong quý IV. Dù chỉ số vẫn ở dưới mức trung bình kể từ quý IV/2022 cùng với thái độ thận trọng của doanh nghiệp, mức tăng báo hiệu sự ổn định.
Trong quý cuối của năm 2023, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đã tăng lên rõ rệt. Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% lên 32%. Triển vọng cho quý I năm 2024 cũng rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá là “xuất sắc” hoặc “tốt”. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.
Báo cáo cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng. 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, điện tử đến từ Pháp cho biết, sẽ tiếp tục chọn TP. Hồ Chí Minh để mở rộng đầu tư. Theo doanh nghiệp, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang có định hướng tương đồng với cộng đồng doanh nghiêp châu Âu trong lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng sạch, giảm phát thải carbon, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI.
Liên minh châu Âu đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với gần 28 tỷ USD được đầu tư vào hơn 2.400 dự án.
Cơ hội thu hút đầu tư FDI từ châu Âu trong năm 2024 được nhận định đang mở ra rất lớn cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, chip… Để tiếp nhận dòng vốn này hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia được chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao.
Nguồn: VnExpress
Xem thêm: VINHOMES GRAND PARK TIÊN PHONG TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH ĐÔ THỊ TOD